Suy dinh dưỡng là tình trạng cơ thể không được cung cấp đầy đủ năng lượng và chất đạm cũng như các yếu tố vi lượng khác để đảm bảo cho cơ thể phát triển.
Biểu hiện của trẻ bị suy dinh dưỡng:
Biểu hiện chủ yếu là chậm lớn và thường hay mắc bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy và viêm đường hô hấp, trẻ bị giảm khả nǎng học tập, nǎng suất lao động kém khi trưởng thành.
Trường hợp dễ khiến trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng:
Trẻ dưới 5 tuổi cần có nhu cầu dinh dưỡng cao. Các nguy cơ dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ có thể là:
Do trẻ thiếu dinh dưỡng: Cho trẻ ăn uống không đúng về số lượng và chất lượng phù hợp với lứa tuổi, mẹ thiếu các kiến thức về dinh dưỡng hoặc không có thời gian chăm sóc con cái.
Do thể trạng trẻ dị tật: Trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai, các dị tật sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh cũng có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.
Do ốm đau kéo dài: Trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, rối loạn tiêu hóa, biến chứng sau các bệnh viêm phổi, sởi, lỵ…
Người mẹ bị suy dinh dưỡng lúc mang thai: Người mẹ trước và trong khi mang thai ǎn uống không đầy đủ dẫn đến bị suy dinh dưỡng và có thể sinh con nhẹ cân, còi cọc.
Cách phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi:
Dinh dưỡng bà mẹ có ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của thai nhi: Dinh dưỡng trước và trong khi mang thai có ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ và tình trạng dinh dưỡng kém của người mẹ làm hạn chế tăng trưởng của thai nhi, do đó ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ.
Người mẹ SDD khi có thai làm tăng nguy cơ sinh trẻ nhẹ cân, thấp còi và sảy thai. Tình trạng phát triển của thai nhi gắn liền với dinh dưỡng của người mẹ và trọng lượng sơ sinh thấp là một yếu tố liên quan chính ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần, thể chất và nhận thức của trẻ.
Sữa mẹ là thức ăn lý tưởng và tốt nhất cho trẻ. Sữa mẹ là thức ăn lý tưởng và tốt nhất cho trẻ sơ sinh, với công thức độc đáo, cân bằng về dinh dưỡng cần thiết cho chức năng tế bào tối ưu và tăng trưởng. Hơn nữa, thành phần các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ thay đổi phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng từng thời kỳ phát triển của trẻ. Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu giúp cải thiện sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Trước, trong khi mang thai bà mẹ cần được bổ sung viên sắt/acid folic hoặc viên đa vi chất, bổ sung canxi cho bà mẹ có nguy cơ do chế độ ăn thấp canxi (nếu bà mẹ không dùng sữa và chế phẩm sữa, ít ăn cá tôm cua, đậu đỗ...), bổ sung protein và năng lượng cân bằng, dùng muối iốt trong chế biến thức ăn.
Trẻ cần bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn. Bổ sung vi chất cho trẻ em có nguy cơ: bổ sung vitamin A cho trẻ em từ 6 – 59 tháng tuổi, bổ sung kẽm dự phòng cho trẻ từ 12 – 59 tháng tuổi. Trẻ từ 6 tháng trở lên, cho trẻ ăn bổ sung đúng cách. Đảm bảo bữa ăn của trẻ đa dạng các loại thực phẩm trong đó nhóm dầu mỡ là bắt buộc, sử dụng các thức ăn giàu đạm động vật như thịt, trứng, tôm, cua, cá…
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi, cân đối các nhóm thực phẩm cần thiết
Thực phẩm tinh bột: Nguồn cung cấp tinh bột chủ yếu hàng ngày cho trẻ là cơm, cháo. Tuy nhiên ngoài cơm, cháo phụ huynh có thể bổ sung những thức ăn từ bánh mì, khoai lang, khoai tây, ngũ cốc, mì ống…Để tránh tình trạng trẻ nhàm chán, biếng ăn, bạn có thể thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm, làm đa dạng hơn thực đơn hàng ngày của trẻ. Thực phẩm giàu protein: Thịt, cá, trứng, sữa và các chế phầm từ sữa hay các loại đậu, ngũ cốc là nguồn cung cấp đạm tuyệt vời cho trẻ. Trẻ cần ăn một ngày 2 bữa đầy đủ đạm. thực phẩm đảm bảo tươi ngon, rõ nguồn gốc tránh mua phải thực phẩm ôi thiu sẽ không đảm bảo lượng protein cung cấp trong ngày cho trẻ, hạn ăn thực phẩm chế biến sẵn.
Thực phẩm chứa chất béo có lợi: Chất béo rất cần thiết cho một chế độ dinh dưỡng hợp lý của trẻ. Ở độ tuổi này, trẻ cần được cung cấp chất béo cần thiết cho quá trình tăng trưởng thể chất và phát triển trí tuệ. Theo các chuyên gia, khoảng 60% não của trẻ được cấu thành từ chất béo trong những năm đầu đời. Do đó trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ không thể nào thiếu dầu, thịt, bơ, sữa, phomai…
Sữa và các sản phẩm từ sữa: Sữa là nguồn thực phẩm rất quen thuộc và dường như không thể thiếu với trẻ nhỏ. Sữa giàu canxi, vitamin và khoáng chất có lợi cho trí não của trẻ. 2 ly sữa mỗi ngày là đủ cho trẻ ở độ 2- 5 tuổi. Ngoài ra ván sữa, sữa chua và các sản phẩm chế biến từ sữa, hay các loại sữa đậu lành, sữa ngô ...cũng là những nguồn bổ sung vitamin D cực kỳ tốt cho bé. Tuy nhiên không phải loại sữa nào cũng cung cấp vitamin D. Chúng ta cần xem rõ nhãn mác, nguồn gốc và thành phần của sản phẩm.
Hoa quả và rau xanh: Trẻ nhỏ cần ăn nhiều rau, củ để bổ sung vitamin, khoáng chất và chất xơ. Không phải trẻ nào cũng thích ăn rau, củ, quả. Tuy nhiên đây là thành phần không thể thiếu trong khẩu phần dinh dưỡng cho trẻ. Hoa quả và rau xanh chứa nhiều chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ, hỗ trợ phòng ngừa táo bón. Ngoài ra, các vitamin có trong hoa quả còn giúp trẻ ngăn ngừa một số bệnh. Ví dụ: vitamin C có trong cam, quýt, ổi giúp trẻ nâng cao sức đề kháng, tránh xa các bệnh cảm, cúm thông thường; vitamin A có trong cà rốt, cà chua giúp ngăn ngừa các bệnh về mắt…
Bạn có thể linh hoạt chế biến nguồn nguyên liệu này bằng nhiều cách: nấu canh, ăn trực tiếp, trộn với sữa chua, xay nước ép, sinh tố…Cha mẹ cũng có thể thường xuyên cho bé ăn các bữa phụ với trái cây thái nhỏ, rất dễ ăn và được nhiều bé yêu thích.
Đồ uống cho trẻ: Theo các chuyên gia, ở độ tuổi mầm non trẻ có thể uống 6 ly nước mỗi ngày. Đặc biệt đố với những trẻ hiếu động, chơi đùa nhiều thìcần bổ sung nhiều nước tránh tình trạng mất nước. Tuy nhiên nước chủ yếu các bé mầm non uống không nhất thiết chỉ là nước lọc. Bởi sữa cũng là thức uống cực kỳ quan trọng giữa những bữa chính. 2 ly sữa mỗi ngày, các loại nước trái cây là đủ để cung cấp canxi, vitamin D và các loại vi tamin, các vi chất cần thiết cho ở độ tuổi mầm non đến khi 8 tuổi; Một khẩu phần ăn cân đối sẽ giúp cho cơ thể có đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Nếu ăn nhiều mà không hoạt động dẫn đến thừa năng lượng thì sẽ gây béo phì, nếu để trẻ đói, ăn không đủ chất, đủ lượng, trẻ sẽ mệt mỏi, kém hoạt động và dẫn đến bị suy dinh dưỡng. Do đó, không nên cho trẻ ăn quá no cũng không quá đói.
Bữa ăn phải điều độ theo yêu cầu dinh dưỡng.
Bữa ăn của trẻ phải có đủ 4 món cân đối: cơm (cung cấp nǎng lượng), rau quả (cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ); đậu phụ, vừng lạc, cá, thịt, trứng (cung cấp chất đạm, chất béo) và canh cung cấp nước và các chất dinh dưỡng bổ sung. Nên thường xuyên thay đổi món ăn để bé không bị chán ăn và giúp trẻ ngon miệng.
Vệ sinh môi trường sống của trẻ: Dùng nguồn nước sạch cho trẻ vệ sinh, tắm rửa và nấu ăn; tẩy giun theo định kỳ; rửa tay trước khi ǎn và sau khi đi đại tiểu tiện.
Đảm bảo vệ sinh thực phẩm, thức ăn cho bé cần nấu chín kỹ, không cho bé ăn thức ăn để qua ngày.
Theo dõi khẩu phần ăn của trẻ ở trường, biểu đồ cân đo theo dõi hàng quý tại nhóm lớp, từ đây cha mẹ có thể biết được việc ăn uống của bé để bổ sung những chất còn thiếu vào bữa ăn tại nhà cho trẻ, đảm bảo bé luôn được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết theo tháp dinh dưỡng hợp lý.